Hiện nay trên địa bàn xã Tân Đức có 6 thôn trong đó số hộ là người dân tộc
thiểu số là 119 hộ/391 khẩu/197 nữ, chủ yếu là dân tộc C.Ro sống tập trung tại
Thôn 3 có số hộ là 106/321 khẩu. Còn lại 13 hộ/68 khẩu là người đồng bào dân tộc
Mường, Thái, Dao, Hoa đang sinh sống rải rác tại các thôn còn lại của xã.
Trên địa bàn Thôn 3
có trụ sở UBND xã, Trạm Y tế và 3 trường học (01 trường Mẫu giáo, 01 Trường Tiểu
học và 01 trường THCS) khang trang cho các cháu học, nhà văn hóa thôn, sân chơi
thể thao để phục vụ cho thanh thiếu niên vui chơi thể thao.
Đối với người dân xã tại Thôn 3 xã Tân Đức, bắn
nỏ là trò chơi dân gian, theo thời gian đã trở thành môn thể thao dân tộc không
thể thiếu trong ngày lễ, ngày tết, ngày
hội lớn của địa phương. Hàng năm vào những dịp cuối năm, UBND xã thường tổ chức giải bắn nỏ truyền thống mở rộng để thỏa
niềm đam mê của những người yêu nỏ. Đây là sân chơi để các thành viên cùng trao
đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời góp phần thúc đẩy tinh thần gắn kết cộng
đồng, làm phong phú đời sống văn hóa của Nhân dân trên địa bàn Thôn 3 nói riêng và
xã Tân Đức nói chung.
Tham gia giải do xã tổ chức
Mặc dù vào những ngày gần Tết
Nguyên đán công việc bận rộn các chú vẫn dành
thời gian để luyện tập. Chuẩn bị cho giải thể thao bắn nỏ do xã và huyện tổ
chức. Theo người dân địa phương, chiếc nỏ là vật dụng không thể thiếu trong đời
sống của cha ông trước kia. Nỏ được sử dụng khi đi rừng săn bắt, lao động sản
xuất hàng ngày. Trong đời sống hiện tại, việc sử dụng nỏ để săn bắt không còn
phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, người dân lưu giữ, bảo tồn và trở
thành môn thể thao truyền thống vào dịp lễ hội.
Theo những người chơi bắn nỏ lâu năm cho biết,
thân nỏ được làm từ gỗ sến. Cánh nỏ được xem là bộ phận quan trọng nhất được
làm từ những cây luồng mọc ở trên đỉnh đồi cao mới đủ độ săn và sức bật. Mũi
tên được lựa chọn từ những cây lành hanh gióng thẳng. Khi vót phải theo thớ,
thay vì vót tròn phải vót dọc sống lưng. Vì khi bắn sẽ ngắm theo đường sống
lưng độ chính xác cao hơn.
Các xạ thủ tham gia giải do huyện tổ chức
Những người đam mê bắn nỏ trên địa bàn xã hầu
hết đều tham gia các giải do xã và
huyện tổ chức. Hàng tháng các chú sẽ tổ chức giao
lưu để tập luyện và qua đó cũng truyền lại kỹ năng và tạo sân
chơi cho các thanh thiếu niên trên
địa bàn thôn.
Ông Đỗ Thanh Tùng trưởng thôn 3 cho biết, "Môn bắn nỏ không đơn thuần chỉ là sân chơi thể thao mà
còn là nơi bảo tồn, gìn giữ những giá trị cốt lõi của thể thao của đồng bào dân tộc. Bắn nỏ đòi hỏi người chơi phải có
tâm lý bình tĩnh, mắt sáng và tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác
vào tiêu điểm. Đây là bộ môn đòi hỏi sức mạnh, tính chính xác và kỹ thuật cao.
Đặc biệt trong thi đấu, các tư thế đứng bắn, quỳ bắn đòi hỏi các vận động viên
nắm bắt kỹ năng để giành được thành tích cao nhất”.
Đạt giải do huyện tổ chức
Nhằm bảo tồn và phát huy bắn nỏ trở thành môn
thể thao truyền thống của đồng
bào dân tộc là thế
mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động Nhân dân
tích cực tập luyện, tham gia thi đấu tại các giải thể thao truyền thống của địa
phương. Bố trí kinh phí để tổ chức thi đấu, tạo sân chơi bổ ích thu hút người
dân tham gia. Trước các giải thi đấu của thành phố và tỉnh tổ chức, xã chỉ đạo
cán bộ văn hóa tổ chức luyện tập, thi đấu giao lưu cọ xát để rèn luyện tâm lý
thi đấu, nâng cao kỹ năng.
Ông Nguyễn Phi Hải, Phó
Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: "Thời gian tới, cấp ủy, chính
quyền xã Tân Đức sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân
trên địa bàn xã nhất là đồng bào
tại Thôn 3 tham gia tập luyện nhằm giữ gìn, bảo tồn và
phát triển môn thể thao bắn nỏ này. Huy
động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các giải tạo sân chơi giao lưu, thi đấu cọ
xát. Tuyển chọn, bồi dưỡng các xạ thủ có tiềm
năng để tạo nguồn kế cận. Qua đó đầu tư phát triển bắn nỏ là môn thể thao thế
mạnh, đóng góp những gương mặt tiêu biểu tham dự các giải thi đấu của huyện tổ chức.